Sản phẩm chủ lực của địa phương
Theo báo cáo của các địa phương, SPCL của địa phương (các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) là sản phẩm hàng hoá hoặc dịch vụ chủ yếu của một địa phương, có khả năng sản xuất và cung ứng với khối lượng lớn, có ưu thế cạnh tranh vượt trội, có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao, có sức lan toả và hỗ trợ các ngành nghề khác cùng phát triển. Đồng thời thể hiện tính đặc thù riêng, mang ý nghĩa văn hoá, thể hiện thế mạnh của địa phương/vùng lãnh thổ. SPCL của địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng, phát triển kinh tế của từng địa phương.
Trong xây dựng đề án phát triển các ngành/lĩnh vực sản xuất nói chung và ở địa phương nói riêng, việc quy hoạch, xác định các SPCL là hết sức quan trọng, góp phần tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Phát triển SPCL là một yêu cầu tất yếu, khách quan nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vượt trội của từng địa phương, từng vùng và quốc gia; tạo sức lan toả, thúc đẩy các ngành nghề liên quan, dịch vụ hỗ trợ phát triển; phát triển kinh tế bền vững và định vị được nền kinh tế trong chiến lược canh tranh toàn cầu.
Hầu hết các địa phương đã xác định SPCL để ưu tiên, tập trung đầu tư phát triển trong một số ngành, lĩnh vực thuộc địa phương mình; nhiều tỉnh/thành phố đã ban hành danh mục SPCL của địa phương mình. Nhiều địa phương đã ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực (trên cơ sở quy định về danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia tại Thông tư số 37/2018/TTBNNPTNT ngày 25/12/2018 và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Việc xác định danh mục SPCL ngành nông nghiệp ở địa phương được coi là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhằm phục vụ cho công tác quản lý, đồng thời để thực hiện các cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách hỗ trợ về phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Cà phê - một trong những sản phẩm chủ lực quốc gia.
Đến nay, chưa có văn bản quy định về SPCL quốc gia ở các lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch… làm cơ sở để các địa phương ban hành danh mục SPCL thuộc các lĩnh vực này ở địa phương. Do vậy, có số ít địa phương có tiêu chí xác định và ban hành danh mục SPCL thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch.
Thực trạng và khó khăn trong hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ
Từ vai trò đặc biệt quan trọng của SPCL trong phát triển kinh tế - xã hội, việc đầu tư, hỗ trợ để phát triển SPCL, nhất là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN trong phát triển SPCL nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm đã được Trung ương và các địa phương rất coi trọng. Trong giai đoạn từ 2016 đến nay, nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, đề án đã và đang triển khai có liên quan đến hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN phát triển sản phẩm hàng hoá nói chung, trong đó có các SPCL của địa phương, với 03 nhóm chính: (1) Thông qua các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án KH&CN; (2) Thông qua các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó có nội dung về KH&CN; (3) Thông qua các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, KH&CN của địa phương.
Hiện nay, rất ít địa phương ban hành sách riêng về “ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển thương hiệu các SPCL và đặc sản trên địa bàn tỉnh”; đồng thời chưa có cơ chế, chính sách chuyên biệt nào ban hành trực tiếp về “hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN phát triển SPCL của địa phương”. Nhu cầu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao kết quả KH&CN, tiến bộ kỹ thuật vào phát triển kinh tế - xã hội và các sản phẩm hàng hoá ở địa phương, trong đó có các SPCL thời gian qua được các địa phương rất quan tâm, hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; tập trung các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế phát triển. Các dự án hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi và dân tộc thiểu số phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hiện đại. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN cho các ngành, lĩnh vực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, trong đó có các SPCL còn có những hạn chế, khó khăn về: cơ chế, chính sách: Hiện nay, chưa có chính sách cụ thể, tập trung hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào phát triển SPCL, có tiềm năng, lợi thế, với các nội dung định hướng theo mục tiêu nhất định nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các SPCL; hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị, nguồn lực cho ứng dụng KH&CN phát triển SPCL: Các chủ thể sản xuất, kinh doanh SPCL của địa phương đa số quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ nên còn hạn chế về nguồn lực đầu tư; cơ sở hạ tầng, hệ thống máy móc thiết bị, nhất là để phục vụ chế biến sâu, đa dạng sản phẩm còn rất hạn chế, chưa đồng bộ, chưa thực hiện chế biến sâu sản phẩm nên chất lượng sản phẩm chưa cao, gia tăng giá trị thấp. Kinh phí dành cho hoạt động KH&CN, trong đó có ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật tại các địa phương rất hạn chế; chưa thu hút hiệu quả nguồn lực ngoài ngân sách, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực; việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất SPCL có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, manh mún, theo quy mô nông hộ là chủ yếu; việc hình thành các “cánh đồng mẫu lớn”, các khu/vùng sản xuất hàng hoá tâp trung quy mô lớn, chất lượng cao còn khó khăn; vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất SPCL còn thiếu ổn định nên khó áp dụng cơ giới hóa cũng như ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao một cách đồng bộ, hiệu quả…; việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản hàng hoá tại nhiều địa phương còn chưa mạnh, chưa chuyên nghiệp; tình hình quản lý, phát triển SPCL và năng lực quản trị của các chủ thể tham gia sản xuất SPCL ở địa phương; tại nhiều địa phương, quy mô, vai trò và năng lực của các HTX còn hạn chế, kết nối các xã viên chưa bền vững, chưa liên kết được nhiều với các doanh nghiệp chế biến nông sản có đủ tầm để kết nối thị trường, việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất còn chậm…
Bên cạnh đó, việc ứng dụng, chuyển giao KH&CN trong phát triển SPCL của địa phương, nhất là sản phẩm nông nghiệp chủ lực còn bị tác động bởi nhiều yếu tố rủi ro khác như: thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường; chịu tác động của biến đổi khí hậu ngày một diễn biến phức tạp, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thất thường không theo quy luật… gây nhiều khó khăn và ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất trồng trọt của các địa phương. Thực trạng nêu trên cho thấy, Nhà nước cần thiết phải tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển các SPCL, sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế phát triển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, trọng tâm là khu vực nông thôn, miền núi.
Nhu cầu hỗ trợ của địa phương
Từ thực tiễn nêu trên, nhu cầu hỗ trợ của các địa phương tập trung vào một số nội dung chính sau:
Một là, về cơ chế, chính sách. Cần xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao KH&CN phát triển SPCL, sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế của địa phương. Xây dựng các chính sách hỗ trợ, thu hút các doanh ghiệp tham gia xây dựng chuỗi liên kết, đầu tư vào nông nghiệp; ưu tiên thu hút những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế đầu tư và tham gia vào xây dựng các chuỗi liên kết sản uất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hàng hóa bền vững, có giá trị gia tăng cao; phát triển thêm nhiều sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính (EU, Mỹ, Nhật...). Có chính sách để khuyến khích các HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh theo luật HTX, ưu tiên hỗ trợ các HTX tổ chức sản các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng an toàn, VietGAP... áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa.
Hai là, hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất tập trung. Hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.
Ba là, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất sản phẩm hàng hóa, an toàn, chất lượng; hỗ trợ sản xuất vùng nguyên liệu gắn với phát triển chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao và bảo quản sản phẩm; hỗ trợ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thông minh để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu từ sản phẩm.
Bốn là, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực phục vụ ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ hải sản, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế; thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo để gắn kết giữa đào tạo với thực tiễn và cơ hội việc làm. Hỗ trợ đào tạo, tập huấn tiến bộ kỹ thuật về sản xuất, công nghệ mới, thị trường, quyền lợi người lao động, quy định pháp lý có liên quan cho các lực lượng lao động tham gia chuỗi sản xuất, thương mại.
Năm là, hỗ trợ đầu tư ứng dụng thiết bị công nghệ tiên tiến để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn hiệu, xây dựng quy trình đóng gói, đăng ký nhãn hiệu, áp dụng và công bố tiêu chuẩn chất lượng và xúc tiến thương mại.
Công Thường
*Bài viết được tổng hợp từ Dự thảo hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển SPCL khu vực nông thôn, miền núi.