
Ban Giám đốc và Trưởng ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo lắng nghe và giải đáp các thắc mắc về chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ảnh: vnu.edu.vn).
Đề bài nghiên cứu, nguồn lực và cơ chế là yếu tố then chốt
Phát biểu tại buổi đối thoại, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh ba yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển S.T.I.D.
Thứ nhất, việc xác định đề bài nghiên cứu là thách thức lớn nhất, đòi hỏi sự kết nối chặt chẽ giữa nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhu cầu xã hội, đồng thời phải chứng minh được giá trị thực tiễn và khả năng chuyển giao.
Thứ hai, về nguồn lực, Giám đốc Lê Quân cho biết, bên cạnh ngân sách nhà nước, cần huy động thêm từ địa phương và doanh nghiệp. Mô hình hợp tác công tư, trong đó doanh nghiệp đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại ĐHQGHN tận dụng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chất lượng cao để cùng nghiên cứu, phát triển sản phẩm có khả năng chuyển giao cao.
Thứ ba, về cơ chế, Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh vai trò của cơ chế thông thoáng, minh bạch trong khoa học, công nghệ và việc loại bỏ các cơ chế "xin cho", tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học tiếp cận nguồn lực và triển khai nghiên cứu. Giám đốc Lê Quân cũng bày tỏ hy vọng về việc thành lập quỹ khoa học công nghệ của ĐHQGHN để chủ động hơn trong việc phân bổ nguồn lực cho các chương trình nghiên cứu dài hạn; đồng thời thúc đẩy môi trường nghiên cứu tại Công viên Công nghệ cao ĐHQGHN - nơi tạo điều kiện cho nhà khoa học dẫn dắt các nhóm nghiên cứu, được hỗ trợ toàn diện và kết nối với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp.
Kết quả tích cực đến từ chính sách thiết thực
Tại sự kiện, Trưởng ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo Trần Thị Thanh Tú đã điểm lại kết quả đạt được trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN trong thời gian qua. Cụ thể, năm 2024 ĐHQGHN công bố hơn 2.000 bài báo trên hệ thống WoS/Scopus, tăng 16% so với năm 2023. Trong đó, có 1.267 bài thuộc nhóm Q1, Q2, chiếm 70% tổng số bài báo quốc tế. Một số đơn vị có sự tăng trưởng nhanh về công bố quốc tế như Trường Quốc tế (273 bài), vươn lên vị trí thứ 3 sau Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (582 bài) và Trường Đại học Công nghệ (332 bài). Các đơn vị thuộc khối khoa học xã hội và nhân văn cũng đang bắt nhịp với xu thế chung. Năm 2024, có 69 đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích được chấp nhận.
Chính sách hỗ trợ tài chính cho cán bộ khoa học xuất sắc của ĐHQGHN đã thu hút 50 cán bộ với 208 công trình vượt trội, gồm 144 bài báo (2 bài thuộc Top 1%, 19 bài Top 5%, 64 bài Q1, 59 bài Q2) và 64 đơn sở hữu trí tuệ. Chính sách này góp phần khuyến khích nhà khoa học nâng cao chất lượng công bố và tạo động lực nghiên cứu.
ĐHQGHN hiện có 45 nhóm nghiên cứu mạnh, gồm 28 nhóm nghiên cứu cơ bản, 15 nhóm nghiên cứu ứng dụng và 02 nhóm định hướng thương mại hoá, khởi nghiệp. Các nhóm này đáp ứng các tiêu chí tương đương nhóm nghiên cứu mạnh cấp Nhà nước, hướng tới sản phẩm khoa học và công nghệ chủ lực, mang thương hiệu ĐHQGHN.
Tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các nhà khoa học
Bà Trần Thị Thanh Tú khẳng định, ĐHQGHN luôn tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ và nhóm nghiên cứu mạnh, phát triển các nhiệm vụ đột phá trong khoa học và công nghệ. Chính sách ưu tiên hiện nay tập trung vào các lĩnh vực công nghệ trọng điểm, liên ngành, nhằm nâng cao chất lượng công bố quốc tế và thúc đẩy chuyển giao công nghệ.
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03/NQ-CP của Chính phủ, ĐHQGHN đã thành lập Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo (VNU-TIP). Mô hình này nhằm tập trung nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và với doanh nghiệp, hướng đến đầu tư phát triển công nghệ lõi.
Về đầu tư, năm 2025, ĐHQGHN dự kiến đầu tư 100 tỷ đồng vào các hướng nghiên cứu ưu tiên như: trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT), công nghệ bán dẫn, sinh học nông nghiệp, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ môi trường, hóa học, vật liệu tiên tiến, năng lượng và lượng tử. Đồng thời, ĐHQGHN cũng phát triển mới các viện nghiên cứu thuộc các lĩnh vực: AI, công nghệ bán dẫn, tế bào gốc, công nghệ môi trường và lượng tử, hướng tới trở thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc.
Về nguồn lực tài chính, ĐHQGHN cũng xác định đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng với tổng diện tích 22,9 ha tại khu nghiên cứu liên ngành, nhằm hình thành tổ hợp nghiên cứu công nghệ cao, phục vụ phát triển các sản phẩm khoa học và công nghệ có tính ứng dụng và thương mại hoá cao.
*
* *

Các nhà khoa học tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh: vnu.edu.vn).
Các nhà khoa học tham gia buổi đối thoại đã được Ban Giám đốc ĐHQGHN, Trưởng ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo Trần Thị Thanh Tú giải đáp các băn khoăn xoay quanh việc thực hiện các chính sách khoa học và công nghệ trong thời gian qua. Các nhà khoa học cũng tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo tại ĐHQGHN, trong đó nhấn mạnh vai trò của khoa học cơ bản, AI và chuyển đổi số.
Vũ Hưng