Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và lưu lượng giao thông ngày càng gia tăng, nhu cầu nâng cao chất lượng, độ bền và tuổi thọ của mặt đường giao thông trở nên cấp thiết. Khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận với đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm, mật độ xe cộ lớn và áp lực tải trọng ngày càng cao, đòi hỏi cần có những giải pháp vật liệu mặt đường nhựa phù hợp, vừa đảm bảo khả năng chịu lực tốt, vừa chống hằn lún, nứt vỡ và thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ vật liệu mặt đường mới như bê tông nhựa polymer, asphalt tái chế, hoặc bê tông nhựa sử dụng phụ gia cải tiến... đang được xem là hướng đi hiệu quả. Các công nghệ này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, kéo dài tuổi thọ khai thác đường mà còn góp phần giảm thiểu tác động môi trường, phù hợp với định hướng phát triển bền vững.

Tại Tọa đàm, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới nhất, những ứng dụng thành công về vật liệu mặt đường nhựa phù hợp cho khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận. Việc lựa chọn và áp dụng các công nghệ vật liệu mặt đường nhựa phù hợp với đặc thù khí hậu, điều kiện giao thông và môi trường đô thị của Hà Nội và vùng phụ cận là yếu tố then chốt nhằm nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông. Những giải pháp tiên tiến được trao đổi tại Tọa đàm không chỉ giúp kéo dài tuổi thọ công trình, giảm chi phí bảo trì, mà còn góp phần tăng cường tính an toàn và bền vững trong khai thác sử dụng.
Trong thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu phát triển, các chuyên gia cho rằng, cần phải tiếp tục đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm thực tế và hoàn thiện quy trình kỹ thuật; đồng thời xây dựng cơ chế hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp triển khai rộng rãi các công nghệ vật liệu mặt đường tiên tiến vào thực tiễn xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông tại Hà Nội cũng như các khu vực lân cận.
Nguyễn Văn Linh