Trong khuôn khổ cuộc làm việc giữa hai Bộ trưởng, các nội dung cụ thể liên quan đến việc triển khai và mở rộng các chương trình nghiên cứu chung đã được trao đổi. Cả hai bên nhất trí thiết lập các cơ chế kết nối trực tiếp giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học của Việt Nam và Liên bang Nga. Bên cạnh đó, hai Bộ cũng thống nhất thành lập Nhóm công tác chung, có nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật và tạo điều kiện thuận lợi để các viện, trường và doanh nghiệp công nghệ của hai nước phát triển các sáng kiến hợp tác thiết thực và hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng (bên trái) và Bộ trưởng Valery Nikolaevich Falkov (bên phải) trao Thỏa thuận hợp tác về tổ chức tuyển chọn dự án nghiên cứu khoa học chung.
Đặc biệt, trong dịp này, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng Tập đoàn Nhà nước về năng lượng nguyên tử của Nga - Rosatom đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về việc sử dụng năng lượng nguyên tử phục vụ cho mục đích hòa bình. Sự kiện này mở ra nhiều triển vọng hợp tác trong các lĩnh vực đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực chuyên môn, cũng như triển khai các chương trình nghiên cứu chuyên sâu giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng sạch và bền vững ngày càng gia tăng.
Cả Việt Nam và Liên bang Nga đều nhận thức rõ tiềm năng, cũng như thế mạnh đặc thù của mỗi quốc gia trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Trên tinh thần đó, hai bên cam kết sẽ ưu tiên huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cần thiết để mở rộng quy mô và chất lượng các chương trình hợp tác hiện có, đồng thời tìm kiếm những hướng đi mới phù hợp với yêu cầu phát triển trong thời đại chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ này không chỉ góp phần đẩy mạnh tiến bộ khoa học và công nghệ, mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc củng cố và nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong tương lai.
Xuân Bình