Thứ năm, 17/04/2025 10:10

Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030

Ngày 16/04/2025, Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư chính thức khai mạc tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia và các tổ chức quốc tế. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai một sự kiện cấp cao đa phương về tăng trưởng xanh, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cam kết về phát triển bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón chính thức các Đoàn khách quốc tế tham dự Hội nghị (nguồn: VGP/Nhật Bắc).

Thể chế xanh là nền tảng quyết định, công nghệ xanh là động lực đột phá, nguồn nhân lực xanh có vai trò then chốt

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) Việt Nam năm 2025.

Phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, trước những chuyển biến to lớn, nhanh chóng mang tính thời đại của thế giới ngày nay, Việt Nam đang nỗ lực không ngừng vươn tới một kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược, đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Với kinh nghiệm của 40 năm đổi mới, Việt Nam xác định chặng đường hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên cần bảo đảm nguyên tắc "bền vững, bao trùm, hài hòa", bao gồm: i) Phát triển nhanh phải đi đôi với bền vững, chất lượng cao, phải hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; ii) Phát triển đất nước phải song hành với trách nhiệm quốc tế, đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, vì hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu; hợp tác quốc tế trên nguyên tắc "các bên cùng thắng lợi"; iii) Quá trình phát triển phải lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu, động lực của mọi chính sách, chiến lược; nhân dân là người thụ hưởng các thành quả của phát triển. Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp chiến lược cho phát triển đất nước, bao gồm:

Thứ nhất, thúc đẩy cải cách thể chế là đột phá của đột phá. Tập trung cải cách, mở cửa, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện để các thành phần kinh tế cùng phát triển, trong đó chú ý đến kinh tế tư nhân; tạo điều kiện để hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.

Thứ hai, thúc đẩy phát triển S.T.I.D quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia. Trong đó, dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là "không khí và ánh sáng" của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới. Chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất. Đổi mới sáng tạo là "cây gậy thần" đạt tới thịnh vượng bền vững.

Về chuyển đổi xanh, nhờ cách tiếp cận đúng đắn, kịp thời, gắn Chiến lược tăng trưởng xanh với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm, dù là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam đã bước đầu đạt một số kết quả quan trọng: i) Là quốc gia đi đầu trong cung ứng năng lượng tái tạo tại ASEAN, với công suất điện gió, điện mặt trời chiếm 2/3 tổng công suất của ASEAN; ii) Là điển hình tốt về thúc đẩy nông nghiệp xanh bền vững. Dự án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp là mô hình tiên phong được rất nhiều đối tác, tổ chức quốc tế quan tâm, tham khảo; iii) Là thành viên tích cực, trách nhiệm của toàn bộ các cơ chế đa phương, sáng kiến lớn về tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng (như Thỏa thuận Paris về khí hậu, Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng JETP, P4G...).

Đặc biệt, về thể chế, Việt Nam cơ bản xây dựng các cơ chế, khuôn khổ cần thiết cho tăng trưởng xanh, bao gồm Quy hoạch quốc gia, quy hoạch tổng thể năng lượng, các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực mũi nhọn, danh mục các dự án trọng điểm và các nghị định tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực năng lượng, tăng trưởng xanh. Tuy vậy, là một nước đang phát triển có nền kinh tế đang chuyển đổi, Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức về nguồn lực tài chính, công nghệ, nhân lực, về khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu và về những biến động địa chính trị trên toàn cầu.

Nhìn về tương lai, Việt Nam đang nhanh chóng thúc đẩy các đột phá chiến lược, nỗ lực chuẩn bị tốt nhất cho quá trình phát triển vừa nhanh, vừa xanh, bao trùm và bền vững. Chúng tôi sẽ chuyển hóa mạnh mẽ các cam kết chính trị thành hành động thực tiễn, tạo động lực cho doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia phát triển kinh tế xanh, trong đó, thể chế xanh là nền tảng quyết định, công nghệ xanh là động lực đột phá và nguồn nhân lực xanh có vai trò then chốt, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Thúc đẩy vai trò của hợp tác quốc tế trong tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Nhận định con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Việt Nam chủ trương đặt mình vào dòng chảy của thế giới, kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo ra sức mạnh Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình. Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đồng bộ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả. Việc đăng cai tổ chức Hội nghị P4G lần thứ 4 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam:

Thứ nhất, để phát huy vai trò là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của P4G và cộng đồng quốc tế. 

Thứ hai, để tái khẳng định cam kết phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng và mục tiêu trung hòa carbon năm 2050. 

Thứ ba, để góp phần nâng cao nhận thức về hợp tác quốc tế và để phát huy vai trò, tiếng nói của các nước đang phát triển trong lĩnh vực tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.

Tổng Bí thư bày tỏ tin tưởng, Hội nghị sẽ tạo những động lực mới thúc đẩy hợp tác giữa P4G với các đối tác, giữa các nước Bắc Bán cầu và Nam Bán cầu, giữa khu vực nhà nước và tư nhân nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, tài chính xanh.

Chuyển đổi xanh và số là yếu tố then chốt và động lực đột phá để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu và tuyên bố khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, kể từ lần đầu tiên tổ chức tại Copenhagen năm 2018, P4G đã chứng minh được tầm ảnh hưởng sâu rộng của một diễn đàn hàng đầu thế giới về thúc đẩy hợp tác công - tư, kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức xã hội để cùng đưa ra các giải pháp đột phá về tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc.

Trong bối cảnh thế giới tiếp tục đối diện những thách thức chưa từng có về thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số..., chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu, là ưu tiên hàng đầu và lựa chọn chiến lược của các quốc gia, dân tộc trên toàn cầu. Với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”, Hội nghị lần này thể hiện khát vọng của tất cả chúng ta hưởng đến một thế giới sáng, xanh, sạch, đẹp với quan điểm nhấn mạnh yếu tố con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực cho quá trình xanh hóa và phát triển bền vững trên hành tinh xanh tươi đẹp.

Những khó khăn, thách thức cũng chính là cơ hội để chúng ta cùng phát triển, vượt lên nghịch cảnh, vì sự phát triển trường tồn của các quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của mọi người dân trên thế giới. Chặng đường chuyển đổi xanh của nhân loại trong thời gian qua không hề dễ dàng, có thành công, có thất bại, nhưng đã để lại những bài học kinh nghiệm quan trọng, là hành trang quý giá định hướng cho chúng ta bước vào giai đoạn phát triển mới, xanh hóa hơn, bao trùm hơn, bền vững hơn.

Trong đó, bảo đảm cách tiếp cận toàn dân, toàn diện, toàn cầu, bao trùm, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi xanh. Một nền kinh tế xanh cần các doanh nghiệp xanh. Một xã hội xanh cần các công dân xanh. Một thế giới xanh cần các quốc gia xanh. Việc tham gia, đóng góp và hưởng thụ thành quả từ quá trình chuyển đổi xanh vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của tất cả các quốc gia, dân tộc theo tinh thần “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển.

Cùng với đó, S.T.I.D đóng vai trò then chốt; thị trường đóng vai trò dẫn dắt; nhận thức xã hội đóng vai trò nền tảng trong thúc đẩy chuyển đổi xanh; đề cao nguyên tắc bình đẳng, công bằng, trách nhiệm trong chuyển đổi xanh

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đây là quá trình cần kiên định về mục tiêu, nhưng chủ động, linh hoạt về phương pháp và lộ trình, có tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của các quốc gia; thành công của một quốc gia trong chuyển đổi xanh không chỉ thuộc về riêng quốc gia đó mà là của toàn thế giới, là tài sản chung của toàn nhân loại. Đối với Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cùng với chuyển đổi số, Việt Nam xác định chuyển đổi xanh là yêu cầu tất yếu khách quan, là yếu tố then chốt và động lực đột phá để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, hiện thực hóa mục tiêu chiến lược trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 trong thời gian tới, đồng thời góp phần từng bước hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại COP26 về đưa mức phát thải ròng về bằng “0” vào năm 2050.

Từ kinh nghiệm thực tiễn với những kết quả tích cực bước đầu, nhất là về năng lượng tái tạo, phát triển nông nghiệp xanh, tham gia các cơ chế, sáng kiến đa phương về chuyển đổi xanh, với vai trò là nước chủ nhà của P4G lần này, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, lấy con người làm trung tâm, Việt Nam có 3 đề xuất để các đại biểu thảo luận, phân tích, đánh giá và thống nhất cách tiếp cận, giải pháp và khuôn khổ hợp tác thời gian tới:

Thứ nhất, thúc đẩy hoàn thiện tư duy xanh, trong đó chú trọng phát triển S.T.I.D gắn với tăng trưởng xanh; xác định nguồn lực xanh bắt nguồn từ tư duy xanh, động lực tăng trưởng xanh bắt nguồn từ chuyển đổi xanh và sức mạnh xanh bắt nguồn từ nhận thức xanh của người dân, doanh nghiệp ở các quốc gia, khu vực trên toàn cầu.

Thứ hai, xây dựng một cộng đồng xanh trách nhiệm. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò định hướng, khuyến khích, bảo đảm thể chế ổn định, thuận lợi cho tăng trưởng xanh; khu vực tư nhân là nòng cốt trong đầu tư công nghệ, phổ cập các tiêu chuẩn xanh; cộng đồng khoa học tiên phong trong phát triển công nghệ xanh và đào tạo nguồn nhân lực xanh; người dân không ngừng nâng cao ý thức xanh và thật sự là chủ thể thụ hưởng những kết quả của chuyển đổi xanh.

Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phát triển mạnh các mô hình hợp tác xanh nhiều bên, nhất là hợp tác đối tác công - tư (PPP), hợp tác Nam - Nam, Bắc - Nam, các khuôn khổ hợp tác đa phương... nhằm xóa bỏ rào cản về thể chế, tăng cường khả năng tiếp cận và đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch dòng vốn xanh, công nghệ xanh và quản trị xanh. Các nước phát triển cần tiên phong thực hiện cam kết hỗ trợ tài chính, công nghệ, kinh nghiệm cải cách thể chế; trong khi các nước đang phát triển cần phát huy mạnh mẽ nội lực gắn kết với sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài.

Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến quốc tế như P4G vì đã tạo ra những mô hình hợp tác thực tế, hiệu quả, mang lại động lực mạnh mẽ cho chuyển đổi xanh. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đóng góp vào quá trình này, tạo nền tảng cho các sáng kiến, công nghệ đột phá được triển khai trên toàn cầu.

PT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)