Thứ ba, 01/04/2025 15:49

Khuyến nghị chính sách cho việc chuyển đổi sang xe điện

Ngày 22/07/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Quyết định đề ra các mục tiêu: phấn đấu đạt 50% phương tiện giao thông đô thị và 100% xe buýt và taxi nội đô đến năm 2030 và 100% phương tiện giao thông đường bộ vào năm 2050 sử dụng xe điện hoặc xe sử dụng năng lượng xanh. Quyết định này đặt ra cơ hội, thách thức và cần lời giải thỏa đáng để các mục tiêu sớm được hiện thực hóa.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo điểm lại tháng 03/2025 với chủ đề “Hành trình bứt phá chuyển sang xe điện tại Việt Nam”. Báo cáo nêu lên một số vấn đề và khuyến nghị chính sách cho việc chuyển đổi sang xe điện tại Việt Nam.

Cơ hội lớn cho phát triển kinh tế

Báo cáo của WB khẳng định, năng lượng là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất, trong đó giao thông vận tải là lĩnh vực chính làm gia tăng mức đóng góp này. Nếu không khử carbon, tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục tăng lên do tỷ lệ sử dụng xe hơi đang gia tăng nhanh chóng. Lĩnh vực giao thông vận tải của Việt Nam phát thải khoảng 32,9 triệu tấn khí thải tương đương CO2 (MtCO2eq) trong năm 2021, tương đương 7,2% lượng khí thải nhà kính của toàn bộ nền kinh tế, trong đó phần lớn là do giao thông đường bộ. Mặc dù sở hữu xe hơi vẫn là điều xa xỉ đối với hầu hết người dân Việt Nam hiện nay, nhưng sự phát triển của tầng lớp trung lưu đã và đang làm tăng doanh số xe hơi với tốc độ tăng trưởng kép bình quân lên đến 15% trong giai đoạn 2010-2022, thuộc dạng cao nhất trong khu vực. Việt Nam đang ở vị thế vững chắc để hưởng lợi trong giai đoạn bắt đầu chuyển sang sử dụng nhiều xe hơi và bước nhảy vọt về chuyển đổi từ xe hơi truyền thống sang xe điện (EV).

Quá trình chuyển đổi sang sử dụng xe điện ở Việt Nam đòi hỏi phân khúc xe hai bánh (2W) cũng phải chuyển sang xe điện hai bánh (E-2W) trong điều kiện xe hai bánh vẫn là lựa chọn chính về phương tiện đi lại đến năm 2035. Trong năm 2022, số lượng đăng ký xe hai bánh ở Việt Nam đạt 72,16 triệu xe (tương đương 94% tổng số phương tiện đăng ký). Con số này cho thấy tỷ lệ sử dụng phương tiện cơ giới ở mức 518 xe hai bánh trên 1.000 dân - khác biệt hoàn toàn với tỷ lệ sử dụng xe hơi ở mức 22 xe trên 1.000 dân. Tỷ lệ hấp thụ E-2W sẽ dẫn dắt quá trình chuyển đổi sang xe điện như đã và đang diễn ra kể từ năm 2014.

Chuyển đổi sang xe điện sẽ tạo thêm 6,5 triệu việc làm mới (ảnh: WB).

Báo cáo của WB cho thấy, việc chuyển sang sử dụng xe điện sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho phát triển kinh tế. Để đạt mục tiêu về tỷ lệ hấp thụ xe điện (EV), doanh số bán của Việt Nam cần tăng từ 500.000 xe trong năm 2022 lên khoảng 1,5 triệu xe vào năm 2030 và 7,3 triệu xe vào năm 2050. Cộng dồn lại, số liệu trên cho thấy nhu cầu thị trường về xe điện các loại lên đến trên 7 triệu xe trong giai đoạn 2024-2030 và 71 triệu xe trong giai đoạn 2031-2050. Sự phát triển của thị trường xe điện dự kiến sẽ góp phần vào sự phát triển của toàn bộ chuỗi giá trị xe điện, bao gồm sản xuất xe, pin điện và hạ tầng sạc. Nhu cầu trong các lĩnh vực bảo trì và tái chế xe điện cũng sẽ tăng lên, mở ra thị trường cho lao động lành nghề. Chuyển đổi sang xe điện dự kiến sẽ tạo thêm 6,5 triệu việc làm mới trong toàn bộ chuỗi giá trị xe điện.

Thách thức khi chuyển sang xe điện

Bên cạnh những cơ hội, Báo cáo của WB cũng đưa ra một số thách thức khi chuyển đổi sang xe điện.

Thực hiện chuyển dịch sang sử dụng xe điện, đòi hỏi sự thay đổi cơ cấu sâu rộng trên thị trường phương tiện giao thông của Việt Nam. Điều này bao gồm chuyển đổi xu hướng đi lại và tiêu thụ năng lượng, tác động đến các bên liên quan và các phân khúc trong nền kinh tế. Hệ sinh thái xe điện cần được hình thành và xúc tiến trên nhiều mặt, đòi hỏi phải đẩy mạnh sản xuất và cung ứng xe điện, khuyến khích chuyển sang sử dụng xe điện, chuẩn bị cho ngành điện sẵn sàng và triển khai rộng mạng lưới sạc. Cuối cùng, yêu cầu đặt ra là phải hình thành bộ kỹ năng mới cho một bộ phận người lao động trong tương lai.

Chuyển đổi sang sử dụng xe điện là quá trình phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, đòi hỏi trước hết phải thành lập một cơ cấu quản trị liên bộ nhằm chỉ đạo những nỗ lực phối hợp trong toàn bộ hệ sinh thái. Mặc dù chuyển đổi có hệ thống trên một quy mô như vậy đòi hỏi phải có sự tham gia của cả nhà nước và tư nhân, các tổ chức tài chính và người tiêu dùng cá nhân, nhưng gánh nặng lại nghiêng về phía Chính phủ nhằm phối hợp và tạo sự cộng hưởng tối ưu giữa các bên liên quan và trong nền kinh tế trong suốt giai đoạn chuyển đổi.

Khuyến nghị

Báo cáo của WB đã đưa ra các khuyến nghị chính sách toàn diện cho từng phân khúc giao thông chính đòi hỏi hạ tầng sạc cho các loại phương tiện giao thông. Nội dung chính nhằm giải quyết những rào cản cho từng loại phương tiện:

Đối với xe điện hai bánh: cần xử lý những quan ngại về an toàn qua thiết lập các bộ tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về pin sạc và kiểm thử sản phẩm, các tiêu chuẩn và thủ tục kiểm định xe điện hai bánh và pin xe; giảm mức chênh giá xe điện hai bánh so với các biến thể dùng động cơ đốt trong qua vốn vay ưu đãi và các biện pháp ngoài chính sách tài khóa bao gồm lộ giới riêng, ưu tiên bãi đỗ và ưu đãi khi đăng ký xe.

Đối với xe điện chở khách: xử lý những quan ngại về an toàn và chất lượng của xe hơi chạy điện qua thiết lập các bộ tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về sạc và pin cũng như các thủ tục về kiểm thử sản phẩm và tiêu chuẩn về kiểm định hàng năm; duy trì năng lực cạnh tranh về giá của xe hơi điện so với các đối thủ sử dụng động cơ đốt trong qua ban hành những ưu đãi tài chính ngoài chính sách tài khóa; tạo nhu cầu về xe hơi chạy điện qua cấm bán xe hơi động cơ đốt trong mới vào năm 2040, chính quyền bắt buộc chuyển sang xe hơi chạy điện và ban hành các tiêu chuẩn chặt chẽ về tiết kiệm nhiên liệu.

Đối với xe buýt điện công cộng nội đô: đảo ngược tình trạng giảm sử dụng xe buýt nội đô qua triển khai ký hợp đồng theo kết quả công việc, nhằm cải thiện dịch vụ, tối ưu hóa thiết kế tuyến xe buýt, dành riêng không gian trên đường để xe buýt hoạt động và hạn chế xe điện hai bánh dọc theo các hành lang dành cho xe buýt; thiết lập chính sách rõ ràng về chính thức chuyển sang xe buýt điện; triển khai các mô hình tài chính mới, nhằm nâng cao tính khả thi của dịch vụ xe buýt điện nội đô.

Đối với xe thương mại liên tỉnh: trong giai đoạn 2025-2030, thiết lập các tiêu chí đặc tả kỹ thuật về xe buýt, xe khách, xe tải chạy điện, đánh giá nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa đối với các dịch vụ xe buýt, xe khách và xe tải liên tỉnh nhằm xác định các tuyến và hành lang ưu tiên để phát triển mạng lưới sạc, thí điểm vận hành xe tải nhỏ chạy điện trong các dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc sở hữu của Chính phủ. Sau năm 2030, chú trọng triển khai trợ giá của Chính phủ nhằm đem lại lãi suất ưu đãi cho các khoản vay thương mại để mua xe tải chạy điện và xe buýt nhỏ chạy điện.

Đối với hạ tầng sạc: giai đoạn 2025-2035, Chính phủ nên đẩy nhanh phát triển mạng lưới sạc công cộng. Giai đoạn 2025-2027, các mạng lưới sạc công cộng nên được ưu tiên tại 5 thành phố lớn thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ). Từ năm 2027-2030, trọng tâm là mở rộng mạng lưới sạc công cộng ra các địa bàn ngoài đô thị và đẩy mạnh cường độ sau năm 2030 ở các địa bàn đô thị và ngoài đô thị để chuẩn bị cho một lượng lớn chuyển sang sử dụng xe hơi điện theo dự kiến sau năm 2035.

Bên cạnh những khuyến nghị nêu trên, Báo cáo của WB cũng khuyến nghị Chính phủ cần tạo ra môi trường phát huy được tối đa tiềm năng của khu vực tư nhân trong những ngành, lĩnh vực liên quan. Quá trình chuyển đổi đòi hỏi tư nhân phải đầu tư phần lớn nhằm: mở rộng quy mô chế tạo xe điện, thiết lập các mạng lưới sạc và tái chế pin. Tất cả các phân khúc đều đòi hỏi Chính phủ phải hỗ trợ đáng kể dưới hình thức ưu đãi trong và ngoài chính sách tài khóa bên cạnh các chính sách quy định hỗ trợ minh bạch, nhằm đảm bảo các nhà đầu tư tư nhân được tiếp cận tài chính. Đây là điều hết sức quan trọng đối với hạ tầng sạc, vì kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trợ giá của Chính phủ có thể hiệu quả gấp 6 lần so với trợ giá mua xe điện.

VVH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)