Thứ ba, 01/04/2025 16:09

Một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực kinh tế và xã hội số

Theo Nghị định số 55/2025/NĐ-CP ngày 02/03/2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ, về lĩnh vực kinh tế số, xã hội số, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao hướng dẫn và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, chiến lược, pháp luật, kế hoạch, chương trình, đề án quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số; quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế số nền tảng, nền tảng số quốc gia phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số; xây dựng, quản lý, vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về phát triển kinh tế số, xã hội số quốc gia theo quy định của pháp luật... Dưới đây là một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực kinh tế và xã hội số do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.

Về kinh tế số

Trong giai đoạn 2020-2024, kinh tế toàn cầu và cả Việt Nam chưa thể hoàn toàn hồi phục sau đại dịch COVID-19. Nhưng kinh tế số vẫn đều đặn tăng trưởng ở mức trên 20%/năm. Theo tính toán, nếu làm tốt, làm khéo, kinh tế số thậm chí có thể đóng góp tới 3% GDP góp phần tăng trưởng 2 con số.

Tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2024 (ước tính) đạt 18,3%. Tăng trưởng 20% so với năm 2023. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ này thì Việt Nam sẽ hoàn thành và vượt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025. Trong đó, công nghiệp công nghệ thông tin và kinh tế số ngành, lĩnh vực chiếm tỷ trọng 50/50. Không gian phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực còn rất lớn trong thời gian tới bởi lẽ ở các quốc gia phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực chiếm tỷ trọng đến 80% kinh tế số.

Tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2024 của Việt Nam ước tính đạt 18,3%.

Quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước vượt mốc 25 tỷ USD trong năm 2024, tăng khoảng 20% so với năm 2023. Việt Nam đang được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Chuyển đổi số tạo không gian mới, sẽ có sản phẩm mới, thị trường mới. Do đó, sản xuất số cần tiên phong để tạo tiêu dùng số và để cả hai có định hướng đúng, cần có thể chế dẫn dắt. Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025 ban hành tại Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 20/11/2024 là đòn bẩy quan trọng cho Việt Nam bước vững vào không gian mới này.

Về xã hội số

Tỷ lệ truy cập các nền tảng số "Make in Viet Nam" năm 2024 đạt 25,25%, tăng 5,62% so với năm 2023. Việt Nam là một trong số ít quốc gia có nền tảng số trong nước chiếm tỷ trọng cao so với các nền tảng nước ngoài. Số lượng tải các ứng dụng di động của Việt Nam duy trì top 11 thế giới trong khi dân số Việt Nam top 15 thế giới.

Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đã đạt 87%, hoàn thành sớm 01 năm và vượt mục tiêu 80% đặt ra trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt bình quân hàng năm đạt hơn 50%, dẫn đầu Đông Nam Á về chuyển dịch sang thanh toán không dùng tiền mặt. Riêng Mobile Money đạt hơn 8,8 triệu khách hàng, trong đó 72% ở nông thôn. Tốc độ tăng trưởng giao dịch trên điện thoại di động đạt hơn 100%; tốc độ tăng trưởng giao dịch trên kênh Internet đạt hơn 50%. Tỷ lệ khách hàng sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 49%. Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 23 lần GDP.

Đặc biệt, 100% học sinh mầm non, phổ thông (khoảng 23,5 triệu học sinh) đã có hồ sơ số hóa trên cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. 100% sinh viên (2,1 triệu) đã có hồ sơ số hóa trên cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. 100% cơ sở đào tạo (cơ sở giáo dục đại học) đều đã triển khai hoạt động quản lý dạy và học trên môi trường số ở các mức độ khác nhau. 100% các cơ sở đào tạo đại học đều triển khai các hệ thống thông tin quản lý giáo dục và học liệu số. Theo đó, đã hoàn thành sớm 01 năm các mục tiêu năm 2025 trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số.

Bên cạnh đó, số lượng tài khoản người dùng trên ứng dụng VNeID đã kích hoạt trên 55,25 triệu tài khoản định danh điện tử, vượt mục tiêu 40 triệu tài khoản người dùng trên ứng dụng VNeID trong Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Trong giao dịch điện tử và dịch vụ tin cậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2024/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2025/NĐ-CP quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1236/QĐ-TTg ngày 22/10/2024 Ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tổng số chứng thư chữ ký số đã cấp tính đến hết tháng 12/2024 là hơn 13,6 triệu chứng thư chữ ký số, tăng 66,2% so với cùng kỳ năm 2023 (hơn 8,5 triệu chứng thư chữ ký số).

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong thời gian tới, hoạt động lĩnh vực kinh tế số và xã hội số cũng gặp phải những thách thức trong thực thi chỉ đạo, điều hành: Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển S.T.I.D quốc gia giao nhiều nhiệm vụ mới, chưa từng có tiền lệ trong phát triển kinh tế và xã hội số; Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ đưa ra những khái niệm rất mới, có tính đột phá cao trên bình diện thế giới, do đó có tính thách thức rất cao. Một số nhiệm vụ mới cần hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế, chính sách triển khai, đặc biệt là hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp công nghệ số thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Để lĩnh vực kinh tế số và xã hội số đạt được nhiều kết quả, giúp người dân, doanh nghiệp giàu có, bình đẳng hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Nghị quyết số 193/2025/QH15 về chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

CM

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)