Xu thế tất yếu
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, việc đảm bảo chất lượng, gia tăng năng suất sản phẩm không còn là lựa chọn, mà trở thành điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1322/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. Chương trình này khuyến khích áp dụng các công cụ cải tiến hiệu quả như 5S, Kaizen, Lean, TQM và các tiêu chuẩn quản lý chất lượng hiện đại như ISO 9001, 14001, ESG, GHG, ISO 27001, ISO 42004, nhằm hướng đến hệ thống hóa sản xuất, kiểm soát chất lượng chặt chẽ và phát triển bền vững. Mặc dù bị tác động lớn sau đại dịch COVID-19 và các bất ổn chính trị trên thế giới, nhưng các doanh nghiệp trong nước vẫn chủ động đổi mới để thích ứng với yêu cầu của sản xuất. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự quan tâm của các bộ/ngành, các doanh nghiệp Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trong nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), GDP năm 2024 của Việt Nam tăng 7,09%, vượt chỉ tiêu đề ra (6-6,5%), chủ yếu nhờ đóng góp từ ngành công nghiệp và dịch vụ. Tăng trưởng năng suất lao động trung bình hàng năm đạt khoảng 5,88%, vượt mục tiêu, một phần nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến và cải tiến phương pháp quản lý sản xuất tại các doanh nghiệp. Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng cũng được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất đạt mục tiêu tăng 10-15% mỗi năm.
Xuất khẩu và chất lượng sản phẩm
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, đạt hơn 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước. Khu vực doanh nghiệp trong nước đạt 114,59 tỷ USD (tăng 19,8%), trong khi khu vực FDI đạt 290,94 tỷ USD (tăng 12,3%). Các mặt hàng chủ lực như lúa gạo, cà phê, trái cây, điều… tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trên thị trường quốc tế. Sản phẩm gạo Việt Nam vượt qua các quốc gia như Thái Lan và Ấn Độ về giá trị và thị phần xuất khẩu. Trái cây như thanh long, sầu riêng, mít, xoài... đã tiếp cận và từng bước chiếm lĩnh các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản, nhờ cải thiện chất lượng và tuân thủ quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Số lượng chứng nhận ISO 9001, 14001, VietGAP, HACCP... cũng tăng ít nhất 10% so với giai đoạn 2011-2020, góp phần giúp hàng hóa Việt Nam đạt chuẩn quốc tế.
Nâng cao nhận thức để đổi mới
Nhiều doanh nghiệp đã lần đầu tiên triển khai các giải pháp tổng thể về nâng cao năng suất, trở thành hình mẫu trong lĩnh vực. Các ngành như dệt may, chế biến thực phẩm, cơ khí... đã đẩy mạnh tích hợp tự động hóa, kỹ thuật số hóa, giúp tối ưu quy trình và tăng hiệu quả sản xuất. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hiện có của Việt Nam đạt khoảng 14.200 TCVN, trong đó hơn 53% được đồng bộ hóa với tiêu chuẩn quốc tế. Điều này giúp doanh nghiệp kiểm soát chất lượng, tối ưu quy trình và nâng cao uy tín sản phẩm. Việc thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (Halcert) đánh dấu bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội thâm nhập thị trường Hồi giáo toàn cầu thông qua các chứng nhận nghiêm ngặt theo chuẩn của người Hồi giáo.
Nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận hiệu quả thiết thực từ việc nâng cao năng suất và chất lượng. Ví dụ, Công ty Cổ phần Phong Phú nhờ áp dụng sáng kiến cải tiến đã tiết kiệm 16,2 tỷ đồng chi phí sản xuất, đồng thời đạt được tiêu chuẩn ISO 9001 và 14001, nâng cao vị thế cạnh tranh. Công ty May Đức Giang áp dụng đồng bộ các hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, ISO 14001, SA 8000, góp phần cải thiện môi trường làm việc, nâng cao chất lượng đầu ra và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang thị trường khó tính như EU và Mỹ. Công ty TNHH Cơ khí Seikico, sau khi tham gia chương trình hỗ trợ của Bộ Công Thương, đã rút ngắn thời gian gia công, nâng cao năng suất và được đối tác đánh giá cao. Công ty CP Giấy Hiệp Thành nhờ triển khai mô hình “năng suất xanh” đã giảm 4% lượng phế phẩm và tiết kiệm đáng kể chi phí điện năng. Trong khi đó, Công ty TNHH rau quả Hùng Hậu tiết kiệm 15% nước và điện, giảm từ 33-46% lượng phế phẩm, nâng cao rõ rệt năng suất…
Thách thức và định hướng phát triển
Tại Hội nghị Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tổ chức ngày 11/02/2025 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: muốn tăng trưởng thì phải tăng năng suất lao động, trên cơ sở phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao; giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, tất cả các ngành các cấp, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc đồng bộ; việc này cũng không dừng lại ở các cơ quan nhà nước, các đại học, viện nghiên cứu mà các doanh nghiệp cũng phải tiên phong, mọi người dân phải tham gia, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể trong quá trình này. Mặc dù các doanh nghiệp đã có sự đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn nhiều thách thức:
Một là, chất lượng nhân lực còn hạn chế: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ mới chỉ đạt 28%, chưa đáp ứng yêu cầu công nghệ mới và chuyển đổi số.
Hai là, nguồn lực của doanh nghiệp còn yếu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên khó khăn trong việc đầu tư vào công nghệ, do thiếu vốn và cơ sở hạ tầng lạc hậu.
Ba là, các rào cản thương mại: Các thị trường lớn như Mỹ và EU áp dụng nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt về xuất xứ, môi trường và an toàn sản phẩm…
Theo các chuyên gia, để vượt qua các rào cản và duy trì tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần: Cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính; hỗ trợ vốn vay ưu đãi, đặc biệt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đẩy mạnh đào tạo kỹ năng số và phát triển hệ sinh thái logistics thông minh; khuyến khích phát triển sản phẩm thân thiện môi trường, phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh.
*
* *
Giai đoạn 2021-2025 là cột mốc quan trọng trong hành trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam. Những thành quả đạt được đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế, mở rộng thị trường và nâng cao vị thế quốc gia. Tuy nhiên, để tiếp tục vươn lên trong bối cảnh toàn cầu cạnh tranh khốc liệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và hiệp hội để vượt qua rào cản, tận dụng tối đa các cơ hội. Việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa không chỉ là nhiệm vụ của riêng doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Việc xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam nâng cao vị thế trong nền kinh tế toàn cầu.